Tuy mùi hương khiến người ta phải dè chừng nhưng những món ăn này đều là đặc sản của Việt Nam đấy nhé.
Trong một món ăn thì mùi hương chính là điều thu hút thực khách nhất. Nhưng thật kì lạ là có nhiều món lại khiến người ta “bỏ chạy” vì chúng quá nồng hay khó ngửi. Ấy vậy mà đây lại là đặc sản và được nhiều người Sài Gòn yêu thích ấy, bạn có đoán được là món ăn nặng mùi nào không?
Các món từ sầu riêng
Không phải một món ăn mặn mà, nóng sốt mà chính là loại trái cây là điều khiến nhiều người tranh cãi về hương vị. Vâng, không gì khác ngoài sầu riêng. Loại quả miền nhiệt đới này mang mùi hương nồng nàn và độ béo sệt chẳng món nào có. Đối với team hảo ngọt thì đây quả là “cực phẩm” còn với một số người thì phải “chạy ngay đi”.
Nhưng phải công nhận một điều là người Sài Gòn rất thích ăn sầu riêng. Không chỉ ăn như một loại trái cây không thôi mà vô vàn biến tấu, kết hợp cùng món này mới là điều đáng nói. Nào là chè sầu riêng, bánh bao sầu riêng, sầu riêng chiên, cheesecake sầu riêng… Ôi thôi cả một thiên đường này cũng đủ chứng tỏ loại quả nặng mùi này đã khiến thực khách nơi đây “nặng lòng” như thế nào rồi.
Bún đậu mắm tôm
Hương vị Hà thành này đặc trưng ở mùi mắm tôm nồng và đậm nên khi vào Sài Gòn nhiều người đã e dè khi thưởng thức món. Nhưng hiện nay, xét về độ phổ biến thì bún đậu mắm tôm lại có thể đứng ngang các món bún miền Nam. Bởi vì khi chấm cùng bún hay thức ăn, mắm tôm đã lan toả một hương vị đặc sắc khó cưỡng.
Chén mắm tôm phải pha cùng đường và tắc (quất) để dung hoà chút chua ngọt kích thích. Bún thì dai thơm, thịt lại béo mềm hay đậu rán nóng sốt… bất kì thành phần nào khi kết hợp cùng độ đậm đà và thơm nồng của món này đều trở nên hấp dẫn gấp bội. Bởi thế mà dù ban đầu có ngần ngại nhưng khi nếm trọn hương vị của món ăn này thì hầu như ai cũng phải “ghiền” luôn đấy.
Bạn có thể đến hàng Bún đậu Cầu Gỗ, Bún đậu A Chảnh, Bún đậu Homemade… để thưởng thức những mẹt bún đậu đúng chuẩn vị Bắc nhé.
Bún mắm nêm Đà Nẵng
Bún mắm nêm Đà Nẵng cũng rất độc đáo trong mùi nồng nàn từ loại mắm miền Trung. Món ăn kiểu trộn khô nên bạn sẽ cảm nhận được nguyên vị của mắm nêm đan xen trong từng thành phần. Tuy có chút e ngại ban đầu nhưng khi thưởng thức, mọi thứ sẽ nhường chỗ cho cái mằn mặn, beo béo nhưng đầy tươi mới hoà quyện trong miệng.
Bún mắm nêm dễ ăn hơn vì lượng mắm tương đối ít, chỉ thoang thoảng trong cổ họng nên hợp vị với người Sài Gòn. Khi thịt luộc, tai heo, chả bò… kết hợp cùng nhau đã làm tô bún thêm đa dạng hương sắc. Bạn có thể thưởng thức món ăn này ở những địa chỉ như quán Cô Nổ (quận Phú Nhuận), quán Dì Bảy (quận Tân Bình), quán Hội Quảng (quận Phú Nhuận)…
Bún mắm miền Tây
Không thuộc kiểu khô như hai “người anh em” phía trên, bún mắm miền Tây hấp dẫn ở cái nóng sốt và đậm đà. Từ mùi vị đến hương thơm của món ăn này đều khiến người ta ấn tượng bởi thành phần chế biến cùng. Nước dùng có vị ngọt từ xương nhưng lan toả trong cổ họng là chút mặn chút gắt của mắm. Nhưng nhờ thịt heo quay, hải sản đã dung hoà cho tô bún vị ngọt tươi và gion giòn kích thích.
Bún mắm miền Tây ngon là khi ăn cùng với điên điển, rau muống, bông súng… đầy đủ. Nhờ độ giòn tươi, xôm xốp của rau mà món dễ ăn hơn nhưng không bị giảm hụt hương vị. Người Sài Gòn rất chuộng bún mắm miền Tây nên cũng có nhiều địa chỉ để bạn thưởng thức: Bún mắm sạch ở đường Trần Khắc Chân (quận 1), quán ở đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), bún mắm Cô Ba…