Những thực phẩm bạn ăn khi dùng kháng sinh có thể là đồng đội, nhưng cũng có thể là kẻ thù trong quá trình điều trị bệnh đấy!
Thuốc kháng sinh là một loại thuốc chống lại các vi khuẩn, hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn hoặc ngăn chặn không cho chúng sinh sản. Những loại thuốc này thường gây ra tác dụng phụ đường tiêu hóa, chẳng hạn như:
– Đầy hơi
– Khó tiêu
– Tiêu chảy
– Đau bụng
– Buồn nôn
– Ăn không ngon
Một số loại thực phẩm có thể giúp bạn ngăn ngừa tác dụng phụ khó chịu và hỗ trợ trong việc hồi phục cơ thể. Dưới đây, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những thực phẩm nên ăn và nên tránh khi dùng kháng sinh nhé!
Thực phẩm nên ăn khi dùng kháng sinh
Một người có hàng nghìn tỷ vi khuẩn và các vi sinh vật khác sống trong đường ruột, gọi là hệ vi sinh vật đường ruột. Hệ vi sinh vật đường ruột giữ cho hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt và giúp hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm virus. Thuốc kháng sinh chống lại vi khuẩn có thể làm đảo lộn sự cân bằng của vi khuẩn trong hệ vi sinh vật, điều này khiến cho bạn có thể gặp các tác dụng phụ.
Sau đây là một số loại thực phẩm có thể giúp bạn ngăn ngừa tác dụng phụ khi dùng thuốc kháng sinh.
1. Men vi sinh
Men vi sinh (Probiotic) là các vi sinh vật sống thường được gọi là “vi khuẩn lành mạnh”, có thể giúp bạn giảm một số tác dụng phụ của kháng sinh, chẳng hạn như đầy hơi và tiêu chảy. Mặc dù nghiên cứu về chế phẩm sinh học và kháng sinh vẫn chưa có kết luận rõ ràng, nhưng các nghiên cứu cho thấy việc dùng men vi sinh là một cách an toàn để ngăn ngừa chứng tiêu chảy liên quan đến kháng sinh.
Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong chế phẩm sinh học, vì vậy bạn nên uống hai loại cách nhau vài giờ. Sau khi kết thúc một đợt điều trị dùng kháng sinh, việc uống hỗn hợp men vi sinh cũng có thể giúp khôi phục lại sự cân bằng trong hệ vi sinh vật.
Những thực phẩm giàu probiotic bạn có thể dùng như sữa chua, phô mai mềm lên men, sữa có chứa probiotic…
2. Prebiotic
Prebiotic là chất xơ hòa tan không được thủy phân trong ruột non. Prebiotic có nguồn gốc từ thực vật gồm glucose và fructose liên kết với nhau. Đây là nguồn thức ăn cho vi khuẩn có lợi probiotic giúp cho vi sinh vật có điều kiện phát triển mạnh mẽ, cải thiện hệ tiêu hóa, miễn dịch, mức độ hấp thụ dinh dưỡng và sức khỏe tổng thể con người.
Một số thực phẩm chứa prebiotic bao gồm:
– Tỏi
– Chuối
– Yến mạch
– Hành tây
– Măng tây
– Lúa mạch
– Lá bồ công anh
– Rễ rau diếp xoăn
Bạn hãy lưu ý việc sử dụng quá nhiều thực phẩm có chứa prebiotic có thể gây đầy hơi, vì thế bạn nên bổ sung prebiotic vào chế độ ăn uống từ từ để cho phép đường ruột của bạn được thích nghi.
3. Vitamin K
Người bị rối loạn tiêu hóa nặng hoặc đang dùng kháng sinh dài ngày là những người có nguy cơ thiếu hụt vitamin K. Vì thế, một số thực phẩm chứa vitamin K bạn có thể dùng bao gồm:
– Trứng
– Ngò tây
– Cần tây
– Măng tây
– Cải bó xôi
– Dưa chuột
– Đinh hương
– Bông cải xanh
4. Thực phẩm lên men
Thực phẩm lên men là nguồn thức ăn tốt của vi khuẩn có lợi. Tất cả các thực phẩm lên men có chứa vi sinh vật, tuy nhiên một số quá trình tạo nhiệt hoặc lọc có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi.
Đồng thời, trong thực phẩm lên men chứa không nhỏ hàm lượng vi khuẩn tốt giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại tại dạ dày và đại tràng. Điều này giúp cân bằng các hoạt động đường ruột phòng ngừa các triệu chứng táo bón, tiêu chảy hay rối loạn tiêu hóa.
Thực phẩm lên men thường rất đa dạng gồm các món ăn thông dụng như kim chi, giấm, rượu, sữa chua, cải muối…
5. Chất xơ
Chất xơ có thể kích thích sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong ruột. Chất xơ có thể giúp phục hồi các vi khuẩn có lợi và thúc đẩy tiêu hóa hợp lý. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm quả mọng, đậu, bông cải xanh, các loại ngũ cốc…
Bạn nên tránh ăn các thực phẩm giàu chất xơ trong khi đang dùng kháng sinh, vì chúng có thể ảnh hưởng đến cách dạ dày hấp thụ thuốc. Bạn nên sử dụng các thực phẩm này khi bạn đã hoàn thành quá trình điều trị kháng sinh đầy đủ.
Thực phẩm cần tránh khi dùng kháng sinh
Bạn nên tránh một số thực phẩm có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả của kháng sinh bao gồm:
1. Thực phẩm có tính axit
Các loại thực phẩm có tính axit cao như đồ uống có ga, nước ép cam quýt, chocolate, cà chua và đặc biệt là nước bưởi chùm có thể cản trở khả năng hấp thụ thuốc của cơ thể. Điều này có thể gây hại cho sức khỏe của bạn.
2. Thực phẩm có chứa canxi và sắt
Các thực phẩm có chứa canxi và sắt có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ thuốc kháng sinh của cơ thể, đặc biệt là nhóm quinolon. Nếu bạn đã bổ sung canxi, sắt hoặc ăn thực phẩm chứa nhiều khoáng chất, bạn hãy đợi 3 giờ rồi mới dùng kháng sinh.
3. Rượu bia
Trong hầu hết các trường hợp, việc uống rượu mức vừa phải sẽ không can thiệp vào tác dụng của thuốc kháng sinh, nhưng có thể làm cho tác dụng phụ trở nên tồi tệ hơn. Bác sĩ sẽ khuyên bạn không nên uống bất kỳ loại rượu nào nếu đang dùng một trong những loại kháng sinh sau:
• Metronidazole: Điều trị nhiễm trùng răng, nhiễm trùng âm đạo, loét chân bị nhiễm trùng và loét do tì đè.
• Tinidazole: Điều trị nhiễm trùng răng, nhiễm trùng âm đạo, loét chân bị nhiễm trùng và loét do tì đè và loại bỏ vi khuẩn Helicobacter pylori trong ruột.
Tình trạng uống rượu khi dùng kháng sinh này có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng và các triệu chứng sau: đau đầu, buồn ngủ, buồn nôn, đau bụng, chóng mặt, nhịp tim nhanh hoặc không đều.
Bạn nên tránh uống rượu trong 48 giờ nữa sau khi kết thúc đợt điều trị metronidazole và trong 72 giờ sau khi kết thúc đợt điều trị tinidazole.
Một số loại thuốc kháng sinh bị giảm hấp thu do thức ăn hay kém bền vững trong môi trường dịch vị bạn nên chú ý bao gồm:
• Thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin: cefixim, cefuroxime…
• Thuốc kháng sinh nhóm penicillin: penicillin V, ampicillin, amoxicillin…
• Thuốc kháng sinh nhóm macrolid: azithromycin, erythromycin, clarithromycin…
Những loại kháng sinh trên bạn nên dùng 2 giờ sau bữa ăn hoặc 1 giờ trước bữa ăn.
Những thông tin trên đây hy vọng có thể giúp bạn trả lời được câu hỏi những thực phẩm nên ăn và nên tránh khi dùng kháng sinh. Bạn nên để ý các triệu chứng bất thường khi dùng kháng sinh để đến gặp bác sĩ tư vấn sử dụng thuốc khác nhé!