Tiêu chảy là một trong những triệu chứng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng rất nguy hiểm. Và trên thực tế, chế độ ăn uống là một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh. Nhưng nên ăn những món gì và không nên ăn những món gì khi bị tiêu chảy là câu hỏi dễ gây lúng túng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thực đơn dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể khi bị tiêu chảy trong bài viết dưới đây.
1 Tiêu chảy là gì?
Một người bình thường mỗi ngày sẽ đi đại tiện một lần, cũng có người 2-3 ngày mới đi một lần hoặc đi 2-3 lần một ngày. Nếu thấy hiện tượng phân đóng khuôn nhão đều, khoảng 60% – 70% là nước thì cơ thể vẫn bình thường.
Tuy nhiên, nếu đi ngoài liên tục, kéo dài trong một hoặc hai ngày lại thêm phân loãng hoặc có hiện tượng dính máu hay dịch nhầy thì khi đó, bạn đang gặp phải hiện tượng tiêu chảy. Nguyên nhân phần lớn của bệnh là do nhiễm khuẩn đường ruột, ruột quá nhạy cảm hoặc ngộ độc thức ăn. Khi đó, cặn bã của thức ăn chưa được tiêu hóa hoàn toàn mà chuyển qua ruột nhanh, dẫn đến triệu chứng tiêu chảy.
Bệnh tiêu chảy có 2 dạng: cấp tính và mạn tính. Bệnh tiêu chảy mạn tính có nguyên nhân là tiêu chảy cấp tính không được điều trị kịp thời, do dịch trong dạ dày bị thiếu, do có khối u trong ruột, do nhiễm vi rut đường ruột hoặc do dùng thuốc, thần kinh rối loạn và một số các bệnh khác. Biểu hiện của bệnh tiêu chảy mạn tính là đại tiện nhiều lần, phân loãng, nhiều dịch nhầy, mùi thối khẳn; ngoài ra, còn có hiện tượng đau bụng, sốt, nôn, sôi bụng, ấn đau, món rặn và đôi khi tiêu chảy và táo bón xen kẽ nhau… Khi bệnh tiêu chảy không điều trị kịp thời và dứt điểm thì nguy cơ bị bệnh trĩ hay sa trực tràng là rất cao.
Bất cứ ai, độ tuổi nào cũng có thể bị mắc bệnh tiêu chảy.
2 Người bị tiêu chảy nên ăn gì
Về nguyên tắc, khi bị tiêu chảy, cơ thể cần bổ sung các chất dinh dưỡng bị mất và ăn những món có thể giảm bớt sự kích thích cơ học và hóa học đối với đường ruột. Những món ăn nhẹ, lợi khí và dưỡng ẩm nên được lựa chọn. Tuy nhiên, căn cứ vào nguyên nhân và đặc điểm bệnh mà bạn cần có chế độ dinh dưỡng khác nhau.
- Tiêu chảy cấp tính: Người gặp phải hiện tượng tiêu chảy cấp tính nên nhịn ăn ngay sau đó để đường ruột được nghỉ ngơi hoàn toàn. Khi thấy bệnh có dấu hiệu đỡ, nên ăn các món loãng như nước cháo, nước chè. Bệnh đỡ hơn chút nữa, bạn vẫn cần ăn tiếp các món loãng hoặc nhão nát như cháo gạo, mì nước, canh trứng, nước quả, nước rau, thậm chí là bánh nướng, bánh mềm. Người bệnh nên ăn thành nhiều bữa một ngày, khoảng 6-7 bữa. Sau đó, dần dần, người bệnh có thể ăn uống các món bình thường. Vì sao cần phải ăn theo chế độ như thế? Vì như vậy mới từng bước khôi phục được chức năng của ruột và dạ dày, đồng thời bổ sung đầy đủ chất cho cơ thể.
- Tiêu chảy mạn tính: Với những người bị bệnh tiêu chảy mạn tính nên ưu tiên lựa chọn những món ăn có nhiệt lượng cao, giàu vitamin và protein, ít lipit; vì chúng là những món ăn dễ tiêu hóa và không gây kích thích. Cháo gạo, mì nước hay bánh cuốn, là những món ăn như thế. Ngoài ra, người bệnh cũng nên ăn thêm thịt nạc, cá, đậu phụ, ruốc thịt, thịt gà, lá rau non, khoai tây nghiền, táo nghiền. Phương thức chế biến các món ăn hợp lý là hầm, om, luộc, nhúng, hấp. Đặc biệt, thực phẩm cần được thái nhỏ, nấu nhừ để giảm kích thích cơ học cũng như hóa học với đường ruột, giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Tương tự như tiêu hóa cấp tính, người bệnh bị tiêu chảy mạn tính cũng nên chia thành nhiều bữa trong ngày. Hơn nữa, cần phải điều chỉnh tâm trạng luôn ở mức cân bằng để giảm bớt nhân tố gây bệnh nặng hơn.
3 Người bị tiêu chảy không nên ăn gì
Dù là bị tiêu chảy cấp tính hay mạn tính, người bệnh không nên ăn uống những loại thực phẩm như sau:
- Rau sống, rau cần, rau chân vịt, rau lá hẹ, giá đậu.
- Những món nhiều xenluylo, nhiều bã
- Củ cải, đậu tương, bí đỏ, hành tỏi sống
- Thịt mỡ hoặc canh nhiều dầu mỡ
- Các món hải sản tanh
- Rượu bia, thuốc lá
Những món khó tiêu, sinh hơi sẽ kích thích đường ruột hoạt động mạnh, gây khó tiêu và tạo thêm gánh nặng cho đường ruột.
4 Tổng hợp các món ăn ngon nhất khi bị tiêu chảy
- Chuối: Chuối có đặc tính mềm, dễ tiêu hóa nên chuối chín có khả năng làm dịu bao tử nhanh chóng. Chuối cũng là món ăn giải quyết được nhiều bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ngoài tiêu chảy. Đặc biệt, trong chuối còn một lượng lớn kali nên có thể cung cấp trở lại các chất điện phân mà cơ thể đang thiếu, điều cần thiết nhất trong các trường hợp đi tiêu chảy thường xuyên và dữ dội.
- Táo: Trong táo có một lượng chất xơ hòa tan pectin rất tốt cho người bị tiêu chảy. Ngoài ra, táo còn có một hàm lượng đường tự nhiên lớn có thể bổ sung năng lượng cho cơ thể. Khi bị tiêu chảy, người bệnh nên ăn 2-3 quả táo mỗi ngày.
- Khoai, gạo: Khoai và gạo là một trong những thực phẩm giàu tinh bột giúp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng tiêu chảy và nhanh chóng phục hồi cơ thể. Lý do là những thực phẩm này có hàm lượng chất xơ thấp và dễ tiêu. Tuy nhiên, giống gạo nâu có nhiều chất xơ có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn nên không được cho người bệnh ăn.
- Sữa chua: Những sản phẩm được làm từ sữa thường được loại ra khỏi thực đơn khi bao tử đang gặp vấn đề. Tuy nhiên, sữa chua là loại thực phẩm lên men từ sữa lại là thực phẩm rất tốt để chữa trị chứng tiêu chảy. Chính những lợi khuẩn probiotic trong sữa chua có thể khắc phục hiệu quả các hiện tượng khó chịu của bao tử, chúng tiêu diệt các vi khuẩn xấu, hiệu quả trong việc điều tiết phân lỏng.
- Bánh mì nướng: Loại thực phẩm này có thể làm chậm quá trình tiêu hóa của dạ dày, cung cấp carbohydrate để bổ sung năng lượng cho cơ thể. Đặc biệt, bánh mì nướng có khả năng làm dịu bao tử.
- Nước: Chắc chắn khi người bệnh đi ngoài quá nhiều lần, lượng nước trong cơ thể sẽ bị thiếu hụt. Bởi vậy, khi bị tiêu chảy cần phải cung cấp nước ngay. Ngoài nước lọc, nước canh hay trái cây pha loãng hoặc nước uống thể thao có chứa kali và natri được khuyến cáo nên đưa vào thực đơn.
Trên đây là những thực phẩm nên và không nên ăn khi bị tiêu chảy. Một chế độ ăn uống hợp lý là tiêu chuẩn cơ bản để điều trị bệnh tiêu chảy. Ngoài ra, mọi người cũng nên giữ một chế độ dinh dưỡng tốt để hạn chế mắc các bệnh về đường tiêu hóa.