Điều gì khiến đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsay nói rằng: “Chất lượng thức ăn Việt Nam quá cao so với giá thành!”
Có một sự thật là chúng ta đang chi trả quá ít cho một nền ẩm thực quá đỗi tinh tế và tuyệt vời, nếu phải so với bạn bè quốc tế.
Ẩm thực Việt Nam qua những câu nói để đời của Gordon Ramsay: “Ở Việt Nam tôi chỉ là một đầu bếp tồi”. Chưa thấy nền ẩm thực nào phức tạp như ẩm thực Việt Nam, mỗi từ “gỏi” thôi cũng không biết phải định nghĩa ra sao.
Đây không phải là điều ngộ nhận, mà là quan điểm cũng được khẳng định bởi đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsay. Ông nói: “Chất lượng thức ăn Việt Nam quá cao so với giá thành!” để nhấn mạnh độ tinh tế lẫn kinh tế của ẩm thực Việt.
Gordon còn giải thích thêm, rằng ở quê hương của mình, ông đã không có cơ hội tiếp xúc với món ngon do kinh tế gia đình eo hẹp. Có thể thấy rằng ở những nước phương Tây, để được hưởng ẩm thực chất lượng bạn gần như phải có mức độ kinh tế cao nhất định. Tuy nhiên Việt Nam thì không như thế, tất thảy những món ngon nhất đều nằm trong tầm tay, không phân sang hèn giàu nghèo.
Và quả đúng vậy vì trước khi văn hoá nhà hàng cao cấp được du nhập vào thì ẩm thực Việt Nam rất dễ… với tới. Chúng ta kháo nhau rằng hàng phở đầu ngõ rất ngon, hàng cơm tấm ở đường nọ vừa rẻ vừa chất lượng. Đối với chúng ta, ngon là những gánh bún riêu, những xe bánh mì, những quán cà phê cóc.
Chúng ta đối diện với những món này mỗi ngày nhưng lại không nhận ra, rằng trong mắt một đầu bếp có chuyên môn, chất lượng món ăn đã vượt xa giá thành thế nào. Nói một cách khách quan, khẳng định này cũng Gordon Ramsay thật ra chẳng vô lý nếu nghĩ đến những lý do sau:
Từ những công thức “thâu đêm”
Khi cả thế giới phát cuồng vì món “bò lên tuổi” trị giá ngàn đô la thì ở Việt Nam, việc dành hàng giờ, hàng ngày và hàng tháng cho một món ăn ngon lại chẳng có gì mới. Nồi nước phở bạn vẫn thấy ngoài ngõ cần ít nhất 8 – 12 tiếng ninh cho xương nhừ, ngọt nước. Món cá kho cần đun ít nhất 4 giờ đến cả đêm để miếng cá rắn lại. Dù chỉ là nấu một chõ xôi thôi, gạo nếp cũng nhất định phải ngâm 8 tiếng đồng hồ cho nở mềm, xôi mới dẻo và không bị lại gạo. Đến cả món bánh trái cây đậu xanh chỉ có 2 – 3 nghìn đồng một chiếc cũng mất hơn cả ngày trời để làm.
Đến cả gánh phở rong cũng dành ra thời gian và công phu chẳng kém nhà hàng để nấu lên được nồi nước lèo ngon lành.
Những hàng quán ở Việt Nam, vì thế, lao động vất vả không kém một căn bếp cao cấp nào. Việc dậy sớm từ 3,4 giờ sáng để đồ xôi, hay chia nhau thức khuya để canh nồi nước dùng là hết sức bình thường. Thế nhưng, chúng ta có thể dễ dàng sở hữu một bát phở phen đường chỉ với giá 30.000 – 60.000 đồng, bằng một nửa khẩu phần Mcdonalds bình dân!
Đến món ăn của cả đời người
Giá trị trong món ăn Việt Nam không chỉ cân đo bằng nguyên liệu, kĩ thuật, công sức, mà bằng độ dày lịch sử nó mang trong người. Hiếm có đất nước nào nhiều công thức và hàng quán gia truyền đến thế. Chỉ cần sống ở Hà Nội vài ba năm, bạn đã có thể nắm sơ sơ những hàng quán gia truyền đã làm nghề ít nhất… 20 năm trở lên: Phở Bát Đàn, bánh cuống Thanh Vân, cháo gà Bà Mỹ, bánh rán Gia Trịnh, v.v…
Những công thức tuyệt vời sống mãi với thời gian, có khi qua hai đời cha con, có khi là ba đời, bốn đời… Cứ thế theo năm tháng, món ăn gia truyền của người Việt hội tụ hết kinh nghiệm, công sức và sự tìm tòi của bao thế hệ, khiến nó trở nên vô giá và mãi được yêu quý, bất chấp sự mọc lên như nấm của hàng tá nhà hàng hiện đại.